1. Giao lĩnh, hay đối lĩnh
có cổ cắt vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục trang trọng nhất trong các lễ phục cổ truyền, được mặc trong các lễ tế. Cao cấp hơn cả của loại này là áo cổn ở trong cung, may bằng đoạn thất thể rất quý hiếm, thường được vua, quan mặc trong lễ tế Giao. Trong triều còn loại giao lĩnh gọi là phổ phục, hay bổ phục, là loại áo giao lĩnh may bằng vải mầu lam đơn sắc mặc trong những lễ thường triều hay các buổi tập dượt cho các kỳ đại tế. Khi mặc phổ phục phải đeo bổ tử (tức là khuôn vải hình vuông trên có thêu các hình tượng ấn định cấp bậc người đeo) ở trước ngực và sau lưng.
Ngoài hương phố thì loại lễ phục này được gọi đơn giản là áo giao lĩnh, áo thụng, và được mặc ở các lễ tế đình, miếu. Áo may rất rộng, xẻ bên hông. Áo này trong dân gian thường được may bằng vải dệt bằng sợi bông, gai, tơ tầm đơn sắc mầu lam các loại. Tay áo giao lĩnh cắt thụng, lúc buông xuống dài bằng gấu áo. Khi mặc giao lĩnh để tế Giao thì vua quan đội mũ miện. Lúc mặc phổ phục trong các lễ thường triều của triều đình thì quan văn đội mũ Xuân Thu và quan võ đội mũ Hổ Đầu. Trong các lễ thường hay ngoài dân gian thì người ta đội mũ đuôi én. Các nước Đồng văn trọng Khổng giáo ở Á châu như Trung Quốc, Nhật, Hàn và Việt Nam đều có áo này. Không có chứng tích phụ nữ mặc lễ phục giao lĩnh dưới thời Nguyễn. Hiện nay trong nhiều lễ tế đình ở các làng, xã, nam giới Việt vẫn mặc loại lễ phục này.
2. Trực lĩnh
tức là áo có vạt xẻ dọc và cài khuy ở giữa thân trước. Lễ phục trực lĩnh trong cung thời Nguyễn dành riêng cho các bà và gọi là áo mệnh phụ hay áo tràng. Áo này không được vua quan, nam phái trong triều đình Việt Nam xử dụng.
Trong khi đó các nam đạo sỹ Lão giáo bên Trung Quốc lại có mặc áo được may y hệt như áo mệnh phụ của phụ nữ Việt. Áo nhật bình của các sư sãi trong nước cũng thuộc dạng trực lĩnh. Lễ phục trực lĩnh cũng may rộng, xẻ bên, và có tay cắt thụng dài bằng gấu. Áo được xẻ vạt bên hông. Áo trực lĩnh phổ thông nhất ngoài dân gian nước ta là áo dài tứ thân của phụ nữ miền quê Bắc bộ, nhưng áo này không thuộc chủng loại lễ phục. Phụ nữ trong cung vấn khăn vành dây khi mặc áo mệnh phụ.
3. Viên Lĩnh
tức áo cắt cổ tròn, vạt cài sang phải. Ở trong cung áo này được cả nam lẫn nữ phái xử dụng dưới dạng long, phượng, và mãng bào; cho lần lượt vua, hậu phi, và các vương công, quan lại mặc trong đại lễ. Các áo bào này được may bằng gấm thất thể hay ngũ thể quý hiếm. Áo rất rộng, xẻ bên. Tay cắt thụng dài bằng gấu áo. Áo được mặc trong các lễ đại triều, triều yến. Khi mặc triều phục bàn lĩnh người ta đội các loại mão bình thiên, bình đính, phốc đầu, nữ quan tùy trường hợp.
4 Lập Lĩnh
Năm 1776, sau khi quân đội của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chiếm được kinh đô Phú Xuân của xứ Đàng Trong, quan Hiệp Trấn Thủ Lê Quý Đôn của nhà Trịnh ra lệnh cho dân ở đây phải cải lại lề lối ăn mặc theo tục lệ cũ, nghĩa là giống như cách trang phục của Đàng Ngoài lúc bấy giờ, cũng như ở Đàng Trong trước biến đổi thời 1744. Theo lệnh này, về thường phục thì “Từ nay trở đi, đàn ông và đàn bà chỉ được mặc loại áo ngắn tay với cổ đứng…” Ngắn tay tức là tay áo chỉ dài đến cổ tay, thay vì dài gấp đôi chiều dài tay như trong áo lễ.
Năm 1819, khi thuyền trưởng Mỹ John White đến thăm Sài Gòn, cách ăn mặc ở đây vẫn giống như giáo sỹ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó. Ông White có nhắc đến một thiếu nữ 16 tuổi mặc quần lụa đen và cái áo may sát người dài đến mắt cá chân. Ông cũng cho biết rằng đàn ông, đàn bà Sài Gòn khi ấy ăn mặc giống nhau, với nhiều lớp áo dài khác mầu. Chiếc áo trong cùng dài đến mắt cá chân, rồi các áo ngoài ngắn dần…Tuy nhiên, giống như bây giờ, lối ăn mặc đỏm đáng kể trên chỉ dành cho tầng lớp phong lưu, thời thượng. Còn phục trang của đại đa số dân chúng thì nghiêm cẩn hơn với mầu thâm.
5 Đối khâm