Description
Mẫu áo đặc biệt từ thời Nguyễn sơ (thế kỷ thứ 17), khi việc vận quần chưa được các vua Nguyễn chính thức công bố trong thời kỳ này. Mãi đến năm 1828 vua Minh Mạng (1791-1841) triều Nguyễn mới ra quy định y phục cho đàn bà phải vận quần, đã được người dân ghi nhận như một biến cố hãi hùng: “Tháng Chín có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng”. Dù thế chiếc váy lại được giữ lại và là một bộ phận của y phục đại triều cho đến thời Bảo Đại. Áo được gọi là Áo Xiêm, đơn thuần vì gồm áo và váy liền nhau. Đúng hơn phải gọi là áo lót và váy lót cho áo đại triều.
Áo gồm 2 phần: phần trên là áo không tay bằng vải quyến được chải mịn bóng màu trắng tự nhiên, cổ kiềng gài nút giữa, gồm 5 hột nút tròn bằng đồng. Chiếc xiêm được may đính với áo. Điểm đặc biệt của y phục này chính là chiếc váy. Tuy mặc dưới áo rộng triều phục, nó lại được may thêu công phu, có lẽ vì khi ngồi hoặc đứng phần dưới của váy sẽ được nhìn thấy.
Chất liệu của váy bằng loại gấm the tơ tằm được thêu bằng tay tuyệt đẹp. Vải lót bằng lụa tơ màu đỏ. Trên nền vải gấm the màu đỏ san hô được phủ kín bằng kim thêu những họa tiết chuyển màu từ đỏ rực đến hồng nhạt thật đẹp mắt và lộng lẫy, trang trí phụng hoàng bay lượn và bát bửu phong thuỷ (quạt, hoa sen, giỏ hoa, sáo, gậy trúc, nậm rượu, giày, kiếm, mây nước). Nét thêu cách điệu sóng nước và mây nổi ở phần gấu của váy đạt đến trình độ tuyệt xảo. Căn cứ vào họa tiết chim phụng có thể cho rằng đây là một chiếc váy dành cho nam giới.