Dưới đây, mình xin tổng hợp lại một số dạng thức trang phục cổ của người Việt mà mình rất lưu tâm, nhằm mong muốn sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về một số trang phục này. Mỗi hình mình tổng hợp theo dạng collage các trang phục đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu và nhà may mà mình biết. Mình xin xếp các trang phục theo thứ tự ngược dòng lịch sử: Nguyễn – Lê – Trần – Lý.
Qua đây thì mình cũng gửi gắm niềm tin của rằng: Tuy chúng ta đi sau các nước bạn trong việc phỏng dựng văn hóa cổ, nhưng không vì thế mà chúng ta ngừng cố gắng. Hi vọng trong tương lai các đơn vị làm về văn hóa cổ nước mình sẽ cho ra nhiều sản phẩm chuẩn và đẹp hơn nữa.
1. Ngũ thân tay chẽn
Ngũ thân lập lĩnh hay còn gọi là áo năm thân cổ đứng cài khuy, với phần tay bó hẹp chính là tiền thân của áo dài tân thời. Nhưng khác với áo dài tân thời vốn chỉ cho nữ mặc, áo ngũ thân dành cho cả nữ và nam. Áo trở thành trang phục chính thống thời Nguyễn sau lệnh cưỡng chế về mặt y phục của vua Minh Mạng. Đây là trang phục của người dân và là tiện phục (trang phục mặc hàng ngày) của vua quan, hậu phi, hoàng tộc, ngoại mệnh phụ, …
Thân áo được ghép bởi 5 mảnh vải (ngũ thân): 2 thân trước, 2 thân sau, và thân con thứ 5 nằm ở phía trước, bên phải người mặc. Vạt áo xòe và cong, không may thẳng. Áo ngũ thân có 5 cúc áo, chất liệu cúc làm từ kim loại, gỗ, ngọc… Cổ tay áo bó chẽn, nhưng nách áo rộng giúp thoải mái vận động. Quy cách may thống nhất, tạo sự khác biệt với trường sam của Trung Quốc.
2. Áo tấc (ngũ thân tay thụng)
Áo tấc, áo ngũ thân tay thụng hay áo lễ có kết cấu tương tự áo ngũ thân tay chẽn, nhưng có phần tay dài và rộng. Áo được người dân thời Nguyễn mặc trong các dịp lễ, đám cưới, …
3. Nhật bình
Nhật bình là trang phục nổi tiếng nhất dạo gần đây. Đây cũng là mẫu áo được nhiều cô dâu lựa chọn khi quyết định mặc cổ phục trong đám cưới của mình.
Trong lịch sử, áo nhật bình là trang phục mặc trong các dịp đặc biệt của mệnh phụ triều Nguyễn. Cụ thể là:
+ Thường phục của Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, công chúa (Lưu ý: thường phục không phải trang phục mặc hàng ngày mà là trang phục mặc vào ngày Thường triều. Còn ngày thường các bà mặc tiện phục là áo ngũ thân.)
+ Triều phục dành cho phi tần nhất, nhị, tam, tứ giai
+ Lễ phục cho phủ thiếp, ngoại mệnh phụ (mẹ hoặc vợ quan lại)
Nhật bình là loại áo xẻ cổ, có dạng trực lĩnh đối khâm và có nhiều nét tương đồng với kiểu áo phi phong nhà Minh (Trung Quốc). Cái tên “Nhật bình” xuất phát từ phần cổ áo tạo thành hình chữ nhật ở trước ngực áo. Hai vạt áo thường được cố định bằng một chiếc cúc gài trước ngực, chiếc cúc này được chế tác từ kim loại, đá quý, … Và có thể bạn đã biết: tên phim “Phượng khấu” ý chỉ chiếc cúc gài áo nhật bình có chạm hình chim phượng.
Theo quy chế, nhật bình được quy định chặt chẽ về màu sắc và cách bố trí đồ án hoa văn. Những chi tiết này được cải cách và thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử triều Nguyễn
4. Đối khâm – Lê Trung Hưng
Áo Đối Khâm [對襟] là tên gọi của một loại áo khoác có hai vạt áo trước cân nhau, chạy song song nhau. Đây là dạng áo mặc phủ ngoài cùng, có thể được phối cùng nhiều dạng áo, quần ống, thường, … “Đối khâm” là một dạng thức rộng, bao gồm cả trang phục nhật bình, tứ thân, … của nước ta.
Áo đối khâm không phải là dạng thức chỉ có ở nước ta mà cũng tồn tại trong rất nhiều nền văn hoá trên thế giới. Đơn cử tại Trung Quốc thời Tống có áo bối tử và thời mình cũng có áo phi phong thuộc dạng thức này. Ở nước ta, dù chịu lệnh hạn chế trong ăn mặc thời Nguyễn, nhưng áo tứ thân vẫn tồn tại ở miền Bắc.
Áo đối khâm có nhiều dạng, dáng áo (dress silhouette) và hoa văn mỗi thời mỗi khác. Ở đây để có sự rõ ràng trong đối chiếu mình chỉ xin đưa vào collage các bộ đối khâm thời Lê Trung Hưng mà thôi.
5. Giao lĩnh Lê Trung Hưng
Giao lĩnh (交領) là áo hai vạt đằng trước bắt chéo nhau (giao nhau), tạo thành cổ áo hình chữ “y”. Dạng thức trang phục phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc khối văn hoá Đông Á (Hán phục, Hanbok, Kimono, … đều sử dụng cổ áo giao lĩnh). Kiểu áo này cũng xuất hiện rất sớm trong thời kỳ sơ sử, kể cả nền văn hóa Đông Sơn ở nước ta. Đây cũng là loại áo phổ biến từ Đinh – Lý – Trần – Hậu Lê tới tận đầu thời Nguyễn. Sau cải cách trang phục thời Nguyễn, giao lĩnh dần bị hạn chế và đến nay chỉ còn sử dụng chủ yếu dưới dạng trang phục của tăng ni, Phật tử.
Trước đây nếu nhìn thấy loại áo này thì đa phần mọi người sẽ mặc định rằng đó là Hán phục, Kimono hoặc Hanbok. Điều này theo mình là dễ hiểu bởi quá trình đứt gãy văn hoá và tại thời điểm đó cũng chưa có nhiều hoạt động truyền thông về dạng trang phục này.
6. Viên lĩnh Lê Trung Hưng
Áo Viên Lĩnh [圓領] là áo có cổ tròn. Áo còn có tên gọi khác là Bàn Lĩnh, Đoàn Lĩnh,… hay còn được bằng tên gọi dân dã là “áo cổ kiềng”. Cùng với Giao lĩnh, Viên Lĩnh rất phổ biến với người dân Việt xưa, được ứng dụng nhiều trong bào phục quan lại, trang phục của hoàng gia, quý tộc lẫn dân gian. Tuy nhiên, kể từ triều vua Minh Mạng trở đi, dạng áo này chỉ còn được giới hạn ở các loại bào phục của tầng lớp quan lại và quý tộc.
Viên lĩnh hiện nay được nhiều bên dựng lại dưới dạng một lớp áo bào, mặc bên ngoài áo áo giao lĩnh. Tuy nhiên, theo tư liệu hình ảnh ta có thể thấy viên lĩnh được mặc trong áo đối khâm hoặc áo giao lĩnh như một lớp lót cổ tròn. Bên cạnh đó cũng có thể mặc chồng 2 chiếc viên lĩnh lên nhau – đây là kiểu mặc chúng ta thường thấy trong các bộ phim lấy bối cảnh thời Đường (Trung Quốc), sau đó mai một dần ở các thời kỳ sau của Trung Quốc. Ở nước ta, sau khi thoát khỏi 1000 năm Bắc thuộc, dạng thức mặc lót cổ trong này vẫn được bảo lưu xuyên suốt Lý – Trần cho đến tận Lê Trung Hưng.
7. Viên lĩnh Lý – Trần
Như đã đề cập, dáng áo (dress silhouette) và hoa văn mỗi thời là khác nhau nên mình xin tách viên lĩnh Lý – Trần ra khỏi viên lĩnh Hậu Lê. Ở thời Lý – Trần, dáng áo viên lĩnh có xu hướng gọn hơn viên lĩnh Hậu Lê.
8. Bạch bào (viên lĩnh trắng) của Hoàng đế Lý – Trần
Mình xin tách tiếp bạch bào ra làm hình riêng vì thấy khá nhiều bên phỏng dựng loại trang phục này.
9. Tứ điên
Được mô tả trong nhiều tài liệu viết về An Nam thời Trần:
+ “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi, thời Tống chép: “áo Sam đen cổ tròn, bó sát, bốn vạt như áo Bối tử, gọi là áo Tứ điên”. (Nguyên văn: 上衣則上緊蟠領皂衫四裾如背子名曰四顛)
+ “An Nam tức sự” của Trần Cương Trung, thời Nguyên chép:”Người trong nước đều mặc màu đen, áo đen bốn vạt, cổ tròn bằng là.” (Nguyên văn: 國皆衣黑皂衫四裾盤領以羅為之)
Có hai giả thuyết tứ điên chính là:
+ Giả thuyết năm 2015 của đội ngũ truyện tranh “Long Thần Tướng”: áo như viên lĩnh đại khâm, phía dưới xẻ 4 vạt. Tuy nhiên giả thuyết này sau đã được thay đổi bổ sung thêm vì vài điểm bất cập trong kết cấu.
+ Giả thuyết năm 2021 của nhóm Đại Việt Phong Hoa: áo cổ tròn nhưng thuộc dạng đối khâm (xẻ bụng ở giữa), cố định 2 vạt áo bằng các nút. Đến nay cũng tìm được nhiều tư liệu hình ảnh thuộc thời Lê có dạng áo này.
10. Trang phục cổ trong đương đại
Ở các nước bạn, cổ phục và trang phục cách tân luôn cùng đồng hành phát triển song song. Ở Việt Nam cũng vậy, trang phục cách tân như một làn gió mới thổi vào cổ phong. Vốn cùng xuất phát điểm là văn hoá Á Đông, tương đồng trong trang phục là điều khó tránh khỏi. Vì thế ngay cả trước khi có sự phát triển, đổi mới thì bản gốc đã có nhưng nét tương đồng đó. Việc phát triển song song cổ phục và hơi thở đương đại là điều tất yếu. Từ khối đồng văn Trung Quốc, Nhật Bản, đến xa xôi bên kia đại dương như Âu Mỹ đều có sự đổi mới, ứng dụng đương đại. Khó có thể chỉ chọn một trong hai mà tồn tại, hay đôi bên dèm pha đấu đá lẫn nhau.
Nguồn: võ hoàng vương- việt phục hội