Thiên Quan nghĩa trong Kinh Lễ có câu: “Phàm người mà có thể là người cho đúng nghĩa là nhờ lễ nghĩa, mà mở đầu của lễ nghĩa là ở dung thể được đoan chính, nhan sắc được trang nghiêm, lời nói được cung thuận. Dung thể đoan chính, nhan sắc trang nghiêm, lời nói cung thuận thì sau lễ nghĩa mới đầy đủ, để chính đạo vua tôi, thân đạo cha con, hòa đạo lớn nhỏ. Đạo vua tôi chính, đạo cha con thân, đạo lớn nhỏ hòa rồi sau lễ nghĩa mới lập. Cho nên đội mũ rồi sau trang phục mới đầy đủ, trang phục đầy đủ rồi sau dung thể mới đoan chính, nhan sắc mới trang nghiêm, lời nói mới cung thuận. Cho nên nói rằng lễ đội mũ là mở đầu của lễ, vì thế thánh vương thời cổ rất coi trọng lễ đội mũ”.
Khăn xếp được coi như là một phụ kiện của áo năm thân thời Nguyễn. Khăn xếp là đặc trưng của nhà Nguyễn, cùng với “áo the” làm nên ấn tượng sâu đậm của người Việt ngày nay khi nghĩ đến trang phục truyền thống của cha ông. Tên gọi khăn xếp/ khăn lượt có lẽ xuất phát từ cách vấn khăn, các vòng nối tiếp từng lượt một xếp chồng lên nhau.
Dựa theo những tư liệu tranh ảnh đầu tk 20, khăn xếp thường đi cùng với áo dài ngũ thân tay chẽn với vai trò là bộ tiện phục mặc thường ngày, được sử dụng rộng rãi từ vua quan đến bình dân. Có lúc người xưa mặc áo tấc, đội khăn xếp như một bộ trang phục công vụ hoặc lễ phục dùng trong những nghi lễ tại gia đình và làng xã. Một số hình ảnh để lại cho thấy cũng có khi khăn xếp được đi cùng chiếc áo giao lĩnh.
Khăn lượt thường là màu đen, vì Người xưa quan điểm vào đời “hỗn mang chi sơ, vị phân thiên địa”, lúc đó cái đại thể của vũ trụ còn mờ mờ mịt mịt, tăm tối chỉ một màu đen huyền mờ tối vậy. Từ khi phân định trời tròn, đất vuông, người xưa cũng dựa trên sự căn bản đó mà làm ra cái khăn vấn xưa thường lấy màu đen làm trọng, cái màu ban sơ của vũ-trụ, cái màu đó có thể chứa chấp, dung hòa các màu khác của nhân sinh, dáng tròn tượng trưng cho trời cao, có cạnh vuông tượng-trưng cho đất rộng vậy, đó cũng đặng là cái hoài bảo lớn lao “đỉnh thiên lập địa” của bậc tượng-phu, hảo hán.
– Về Khăn chữ Nhất (–): trên cơ sở dụng Nho giáo trong trị quốc, thì không thể không nhắc tới Đức Khổng Tử, Khăn chữ Nhất phát sinh từ câu: «Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi» 吾 道 一 以 貫 之 (Luận Ngữ, 4, 15): nghĩa là Đạo ta, có thể thâu tóm bằng chữ Nhất. Như vậy, Nhất đây là thuyết: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Chữ Nhất (–) chỉ có một nét ngang rất dễ nhớ nên khi lồng vào cái khăn, đội ở trên đầu, để ai ai cũng luôn nhớ, và nếu không trông thấy được ở trên đầu mình, thì cũng nom thấy chữ Nhất ấy trên trán của mọi người xung quanh. Như vậy, ai đã nom thấy chữ Nhất, đã đặt chữ Nhất trên đầu, thì phải nhớ ngay đến bốn chữ Nhất Di Quán Chi| 一 以 貫 之 Đạo chỉ có một mà bao trùm tất cả, thực là cao siêu rộng lớn, vô thỉ vô chung, cả đất với sông núi, cỏ cây, rừng sâu biển rộng, và cả loài Người, khôn ngoan, sáng láng đứng đầu trên vạn vật. Hiểu thấu được cái Đạo bao trùm cả Thiên-Địa-Nhân thì con người sẽ hoàn toàn siêu việt đạt tới Chân-Thiện-Mỹ. Cho nên Vua chúa hay con dân nước Nam đội trên đầu cái khăn chữ Nhất để nhắc nhở từ Quân Vương trở xuống phải theo cái Đạo Nhất Di Quán Chi cao cả ấy, lấy giang sơn làm trọng, lấy dân tộc làm quý, và phải lo cho nước mạnh dân giàu.
– Về Khăn chữ Nhân (人): Nhân là Người, mà đã là Người, vẫn theo nền tảng Nho gia, thì muốn xứng đáng làm con người thì phải có Tam Cương (Quân-Sư-Phụ) và Ngũ Thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín). Tiền nhân của chúng ta đội cái khăn chữ Nhân ở ngay giữa trán trên đầu, nơi cao quý nhất của một thân người, là có ý nhắc nhở ai nấy, lúc nào cũng phải xử sự cho ra con người, lấy Tam Cương và Ngũ Thường làm căn bản. Bởi vì, giữa mọi người với nhau cho dù ở tầng lớp nào, trình độ nào thì nếu có Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, thì làm gì còn có những chuyện hà hiếp bóc lột lẫn nhau, thì làm gì còn có những chuyện lừa thầy phản bạn, bội nghĩa vong ân, trốn chúa lộn chồng, bỏ vợ lìa con. Một xã hội nói riêng mà cả nhân loại nói chung, có Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, thì hẳn lúc nào cũng an lành vui vẻ, làm gì có chuyện chiến tranh khốc liệt, thế giới sẽ hoàn toàn hạnh phúc và hòa bình.