Áo dài truyền thống thời xưa được may bởi bốn khổ vải gọi là áo tứ thân, áo được ghép bởi năm khổ vải gọi là áo ngũ thân và còn nhiều các loại áo được ghép từ sáu đến chín khổ vải. Phần tay áo, vai và nách áo được áp dụng kỹ thuật may liền tay, phần nối tay nằm ở ngang bắp tay. Tay áo dài được gọi là tay áo chẽn (hay còn gọi là tay búp) ôm sát vào cổ tay.
Đối với mẫu áo dài cổ đứng khuy cài, theo như mô tả của người xưa thì cũng có những quy định như: cổ hình chữ khẩu (口 – cổ vuông đứng) hay còn gọi là trực lĩnh, đường khuy áo hình chữ quảng (广). Đường khuy áo gồm có năm khuy (một khuy nằm ở cổ; một nằm ở bả vai phải, cách cổ 10cm; ba khuy cuối cùng nằm ở bên hông. Đường tà áo hình chữ bát (八 – tà xòe). Tà áo có độ sa, tà trước dài hơn tà sau khoảng 15cm. Chiều dài của tà áo thường chỉ quá gối, cũng có những thay đổi phù hợp với từng miền nhưng chiều dài này không chạm đến mắt cá chân.